Dạo gần đây, tôi thấy thời gian trôi nhanh hơn bình thường. Cảm giác một ngày không phải 24 tiếng nữa, mà khoảng 19-20 tiếng là cùng. Do nhà xa công ty nên có lẽ tình hình giao thông của Sài Gòn vừa lấy thêm của tôi đâu đó 1 tiếng hàng ngày, còn lại thì tôi thấy thời gian có lẽ vừa sắm cho mình đôi giày chạy Nike Alphafly 3.
Trong đợt tự review và reflect lại 2024 của mình, tôi thấy thời gian cũng trôi khá nhanh. 2024 bắt đầu bằng 1 cú trauma, quần quật chiến đấu cả năm và ghép lại bằng những chuyến đi. Tôi không nhớ mình đã làm được gì hay cụ thể vượt qua trauma hay vật lộn với nó ra sao, chỉ có một cảm giác tiếc nuối vì khi nhìn lại thì thấy chưa làm gì được nhiều.
Có điều gì đó không đúng ở đây. Rõ ràng mỗi ngày trôi qua tôi đều cố gắng hết sức, sợ thời gian trôi mất nên mình đã cẩn thận sử dụng chúng thật khôn ngoan. Có những ngày rệu rã, tôi còn thấy thời gian như kéo lê ra cả ra tuần cả tháng; vậy tại sao khi nhìn lại thì thời gian trôi nhanh như 1 cái chớp mắt? Tại sao nhỉ?
Thời gian nhanh, tại sao?
Có ai đó bảo rằng, muốn thời gian chậm lại, hãy hôn (kill this man, pls). Cái này không làm được liền, do đó tôi…xách giày ra chạy. 10 phút đầu, thời gian thật sự trôi rất chậm. Tôi chạy mãi chạy mãi, mệt vl rùi mà thời gian thì có được 1-2 phút. Tức mình, tôi chạy lèo 10km. Thề với quý vị độc giả cô bác anh chị em, đây là 1 tiếng dài nhất trong ngày. Cũng nhờ thời gian dài đằng đẵng này mà tôi đã có những suy nghĩ, đúc kết tạm thời cho đơn vị thời gian, có thể sẽ không đúng với tất cả mọi người.
Thời gian và Độ tuổi
Ai cũng có 24h/ngày. Đúng!
Nhưng…
24h của một đứa bé mẫu giáo chắc chắn là dài hơn một sinh viên đại học đang chạy deadline, giành giật từng xuất học bổng, tham gia các cuộc thi để có thành tích tốt…
24h của sinh viên đại học chắc chắn là dài hơn các nhân viên văn phòng 25 tuổi đang cố gắng học hỏi, làm tròn trách nhiệm với ba mẹ, cân bằng cảm xúc của bản thân, mở rộng các mối quan hệ xã hội, chăm sóc sức khỏe bản thân, tìm kiếm một người bạn đời…
24h của nhân viên 25 tuổi chắc chắn là dài hơn các anh chị ở độ tuổi 30, một độ tuổi mà không thành công thì xã hội đổ dồn đầy sự nghi vấn, luôn cố gắng tìm một chút thời gian nho nhỏ cho các sở thích của bản thân. Nếu đã có con thì còn áp lực hơn gấp bội, đụng 1 chút là tiền, cố gắng dành một xíu thời gian hạn hẹp để chơi cùng con.
Cứ như thế, thời gian như ngày một nhanh hơn và đuổi sau lưng mỗi người với các kì vọng và áp lực theo lứa tuổi.
Thời gian về mặt vật lý nó không nhanh hơn, cái nhanh hơn chính là những áp lực. Độ nặng từ áp lực càng nhiều, độ nhanh trong thời gian càng lớn.
Tôi thấy trẻ con thường thích Tết, nhưng người lớn lại sợ. Ngoài áp lực tiền bạc mỗi độ tết đến, có lẽ người ta sợ nhìn lại một năm, mình đã thêm một tuổi. nhưng năm rồi mình chưa đủ tốt, đáng ra mình có thể làm được nhiều hơn, học nhiều bài học hơn…
‘‘Life is like as a toilet paper, the closer to the end you get, the faster it goes’’
(Nếu bạn không dùng giấy khi đi toilet thì bạn không hiểu đâu, cảm ơn người đã thiết kế ra vòi xịt đ*t :«)
Thời gian và Routine
Tôi luôn có những ngày rất ngắn và rất vui khi còn nhỏ. Tôi thích thú mỗi khi thức dậy và không muốn ngủ trưa vì muốn có nhiều thời gian để chơi thật nhiều. Tôi khi sống trong thời gian đó, ngày trôi rất nhanh. Nhưng khi giờ ngồi đây nhớ lại, sao một ngày mình có thể làm nhiều thứ như thế, phải chăng thời gian lúc đó lại rất nhiều hay sao?
Trải nghiệm chính là những sự kiện sẽ được lưu trong bộ nhớ, làm cho bộ não đang hiểu chúng ta trải qua nhiều. Khi mà chúng ta còn trẻ, mọi thứ đều mới lạ, trải nghiệm nào cũng muốn thử, càng ngày càng nhiều khiến chúng ta nhận thức thời gian dài hơn.
Và do đó, khi chúng ta làm đi làm lại một điều gì đó khiến nó thành thói quen, bộ não sẽ gom lại thành một kí ức duy nhất, làm chúng ta cảm giác thời gian co lại.
Thật khó để tôi nhớ từng trải nghiệm đi làm về trong một năm vừa rồi, vì bộ não tôi đã biến 262 chuyến đi đi về về thành 1 trải nghiệm duy nhất là: lái xe đi làm.
Cuộc sống chúng ta được định hình bởi thói quen, và được dạy tạo càng nhiều thói quen tốt thì càng tốt. Thói quen giúp tiết kiệm thời gian, giúp mọi thứ làm dễ dàng hơn và không tốn nhiều công sức để suy nghĩ và đắn đo. Nhưng cũng vì thế, cho tất cả chúng ta, những người đi làm chốn công sở, mỗi ngày dường như trở nên giống nhau: thời gian giống nhau, địa điểm giống nhau, những khuôn mặt giống nhau, đôi lúc là những công việc giống nhau, cuộc họp giống nhau… chúng vô tình làm cho bộ não chúng ta ghi nhận thành 1 trải nghiệm duy nhất, và do đó: thời gian co lại.
“If nothing meaningful has hapenned, we don’t have anything out brain can record, and time subjectively shrinks.” - Marc Wittmann, PhD
Tôi, khi list down các công việc hàng ngày, tôi đã automate toàn bộ thành một lịch trình mà tôi đã coi như là hoàn hảo:
đúng giờ đấy, cơ thể bật dậy
đến phòng tập, tập các bài đã được plan, nay upper mai lower, mốt cardio.
tắm rửa, chạy xe đến công ty
làm việc theo thứ tự ưu tiên, ngày họp ngày không
đi về nhà đúng theo con đường ấy, hôm sớm hôm muộn, hôm may mắn thì thông thoáng, xui rủi thì kẹt xe
nấu bữa tối, ăn tối
học Duolingo, đọc 1 xíu, chơi 1 xíu, viết 1 xíu, chơi với gia đình 1 xíu. skincare 1 xíu
ngủ
Nếu không có gì thay đổi và đặc biệt, năm 2024 của tôi gom lại thành… 8 trải nghiệm!! OMG
Tin buồn là, cuộc sống của chúng ta không cho phép chúng ta có trải nghiệm mới liên tục để bộ não ghi lại. Đâu thể nào suốt ngày đi du lịch (theo cách tích cực) hoặc làm đảo lộn của sống bằng các quyết định sai lầm (theo cách tiêu cực) để làm chậm thời gian, nhỉ?
Tin vui là, vẫn có một số cách để làm chậm thời gian (đương nhiên là về mặt cảm nhận). Để dù, yah, mỗi năm ta vẫn già đi một tuổi, vẫn 9 to 6, vẫn áp lực đồng trang lứa, nhưng hack nó chậm hơn, để ta có thể nán lại mà thưởng thức cuộc sống này một chút.
Cách làm chậm thời gian
Ở đây, tôi chỉ chia sẻ một số cách healthy và balance, được xã hội chấp nhận. Vì tôi là một công dân tốt, sống và làm việc theo pháp luật (you know what I mean :)))
Thử đảo lộn lịch trình một chút
Để đánh lừa bộ não, này nhé, hôm nay tao đã trải nghiệm thêm nhiều điều mới rồi đấy! Kéo dài thời gian ra nào, Confundo, Confundo!!
Giữ cho mình những thói quen tốt là một điều tốt! Nhưng thỉnh thoảng, nó khiến tôi cảm thấy mất hứng thú để làm những điều đó. Ở đâu đó nhan nhản ngoài kia vẫn chia sẻ những câu châm ngôn như kiểu: động lực là xấu, quan trọng là sự kỉ luật. Nhưng khiến mọi thứ mình làm “vui hơn” một chút, tự bản thân tạo hứng khởi để keep cái kỉ luật ấy thì cũng chẳng mất gì, nhỉ?
Tôi nhớ có lần tôi đi làm về bằng một con đường mới. No google map. Thử thách của tôi ngày hôm ấy là… cứ rẽ phải xem thứ có về tới nhà không? Tôi bất ngờ với những thứ tôi nhìn thấy hai bên đường, hào hứng vì tôi khám phá ra những con đường tuyệt đẹp. Aaa, một quán cafe nhỏ xinh, lưu lại để đi mới được… Vừa đi vừa nhìn trời nhìn đất, một cách không giống tôi bình thường - chỉ muốn về nhà thật nhanh để nghỉ ngơi. Tôi thấy kẹt xe cũng bình thường, tôi đứng đó và cộng các con số của biển số xe để xem người ta mấy điểm (tôi thì 0 điểm)… Dù hôm đó 1 tiếng rưỡi mới về nhà, nhưng thật sự tôi đã quên hết mệt mỏi ở công ty.
Tôi không nghĩ việc đến công ty hàng ngày là một trải nghiệm duy nhất. Thỉnh thoảng tôi chán công việc của mình, và tôi chọn thử một quán cà phê mới, test xem có ia không (nếu k ia thì bái bai). Tôi thỉnh thoảng đi ăn trưa ở ngoài, thỉnh thoảng pha matcha tại công ty, thỉnh thoảng khóc lóc rên rỉ, thỉnh thoảng tán gẫu cùng đồng nghiệp. Tôi refer giải quyết công việc trực tiếp hơn là chat qua teams vì tôi có cơ hội được break routine của mình một chút…
Có nhiều cách để làm mới một ngày bằng nhiều trải nghiệm mà không cần phải chi một số tiền lớn hoặc tìm kiếm xa xôi. Tôi cảm thấy cuộc sống này còn quá nhiều thứ để học, để chơi và để trải. Dù là dưới hình hài nào: công việc, vui chơi… thì mọi thứ vẫn còn rất mới với tôi!!
Chủ động “để ý” điều mới
Tiếp tục dạy cho não những điều mới, hãy luôn để mắt tới những thay đổi nhỏ xíu ở những cảnh vật vốn đã quen thuộc quanh mình, điều đó khiến bộ não ghi nhận những kí ức mới, và do đó giúp kéo dãn thời gian.
Bạn có để ý thấy đôi lúc trong cuộc sống, vì theo đổi những thứ to tát mà quên mất những điều nhỏ bé rực rỡ không?
Tuần vừa rồi tôi có một ngày cực kì tồi tệ. Mọi thứ đều tồi tệ, nhưng tôi “để ý” thấy cách mình ứng xử với ngày tồi tệ đó quả thật là tuyệt vời. Tôi không bù lu bù loa, tôi không tìm kiếm niềm vui bên ngoài để khỏa lấp, tâm trạng tôi không chạm đáy. Tôi không biết điều gì đã thay đổi bên trong mình, nhưng tôi thấy mình đã thực sự làm điều đó một cách rất tuyệt, và thế là tôi vui.
Tôi cắm hoa ở nhà. Hôm qua nó còn là nụ hoa bé xíu, nay nó đã nở to rồi.
Con mèo Tú bị cạo lông nham nhở, nay lông đã ra đều, đẹp và mượt rồi.
Tài béo hôm trước vừa bị cạo đầu, nay tóc đã ra đầy, khéo tôi lại chuẩn bị tốn tiền cho béo đi cắt tóc nữa.
Hôm qua mới 5h50 mặt trời đã chiếu vào mặt tôi. Nay nó không chiếu vào mặt tôi nữa, mà chuyển sang chiếu vào mặt tài béo haha.
Hôm trước con đường đi làm chỉ có 2 cái biển được phép rẽ phải, nay đã lên 5. Vậy là nhà nước thêm đèn rẽ phải thật.
Giờ thì bộ não gọi tôi là một cô nàng thú vị.
Chụp ảnh, viết, up story…
Anything u can record your life
Đơn giản là chúng giúp chúng ta tạo kỉ niệm.
Ngày trước tôi thường chả chụp choạc mấy, vì nghĩ đúng là phải sống trong giây phút hiện tại. Đến khi cuối năm, những dịp cần, nhìn album ảnh trống trơn tôi chẳng biết mình đã từng làm gì, đã đi đâu, đã vui vẻ như thế nào. Bộ não kể cũng tệ ha, mấy điều gì vui vui là nó làm cho biến mất luôn, còn kỉ niệm buồn là nhớ kĩ lắm.
Vì thế, chúng ta cần một công cụ để gợi nhắc bộ não những điều vui vẻ đã làm được.
Đương nhiên là đừng lạm dụng hình ảnh quá. Chụp 1 tấm ảnh, done! Còn đâu đó chúng ta vẫn còn những giác quan đang la ó đòi cảm nhận thực tại. Thêm nữa, việc tâm trí đắm chìm vào những hình ảnh (đặc biệt là bạn chỉ chụp lúc mình xinh đẹp) dễ khiến ta so sánh hiện tại với quá khứ, dễ dẫn đến sự không hài lòng/ hạnh phúc trong thực tại.
Thiền và chạy bộ
Tôi để hai mục này vào chung vì bản chất của 2 hoạt động này đối với mình khá giống nhau, đều tập trung vào hơi thở.
Tập trung vào hơi thở là cách tuyệt vời nhất để sống hoàn toàn trong hiện tại. Và chính việc hòa mình vào hiện tại đó khiến bộ não ý thức được thời gian đang trôi, do đó thấy nó dài hơn so với để thời gian trôi thông thương. Nhận thức được hoàn toàn bản thân, từ đầu tới chân, lắng nghe được hết toàn bộ những suy nghĩ, cả những cái đau đang nhức nhối nơi cơ thể.
Đây chính là cách để nhận thức thời gian thông qua cơ thể. Không phải ngẫu nhiên mà 2 phút plank dài như hai thế kỉ, nhưng bạn hoàn toàn không nhận ra đã 2 tiếng trôi qua trên mạng xã hội.
“When you focus on your bodily self, time slows down.”
Dậy sớm
Tôi rất thích dậy sớm, nhưng không phải để thành công, mà là để cảm nhận thời gian trôi chậm hơn.
Ở đó, đơn vị thời gian không tính bằng giờ, bằng phút, bằng giây, mà tính bằng sự thư thái. Càng thư thái, thời gian càng giãn ra. Có hôm tôi chợt tỉnh lúc 4h30, không báo thức. Tôi nhớ đã có một buổi sáng dài như thế kỉ như thế nào, khi mình làm đủ thứ khùng điên trên đời mà chỉ mới có 7h?
Thời gian thực sự đã đóng băng, khi trời còn tối thui và bạn mở to mắt ngắm nhìn mọi thứ từ từ thức dậy. Tôi nhớ ai đó đã từng nói, khi cơ thể ngủ đủ, tự nó sẽ dậy. Và hôm nào dậy sớm một cách tự nhiên như thế, tôi luôn chắc chắn tối qua mình đã thật sự có một giấc ngủ rất ngon.
Do đó, tôi cũng nhận ra thời gian dạo gần đây nhanh hơn vì mình thường mệt mỏi vào buổi sáng. Thời gian nằm trên giường vẫn thế, nhưng chất lượng thì giảm sút. Khi mà tôi cảm thấy bị thời gian đuổi bắt, cũng có nghĩa là cuộc sống của mình, từ sức khỏe thể chất đến tâm thần, đâu đó lỗi nhịp. Và tôi lại dành thời gian để khiến nó tốt hơn.
Nhắn tin cho ai đó và đợi họ trả lời
just for fun, but it’s real.
Chỉ khi bạn thật sự cần người ta hồi âm, thì thời gian lúc này dài như thế kỉ ạ.
Nếu thấy thời gian lúc này trôi chậm quá và bản thân thật sự không cần đợi “lâu” đến thế, có thể bạn cần nhắn cho một người khác mà bạn biết chắc là sẽ làm thời gian trôi nhanh…
Chúc bạn may mắn!!
Cuối cùng thì, hy vọng rằng, mỗi người chúng ta thật sự là những phù thủy, luôn biết cách kéo thời gian nhanh - chậm theo ý muốn.
Hoặc kể cả khi bạn không thích làm phù thủy, cũng có thể trở thành nàng Lọ Lem - nhưng không còn sợ hãi thời khắc nửa đêm.
Khi đồng hồ điểm 12h, mọi thứ trở về trạng thái ban đầu: chiếc xe ngựa trở thành quả bí ngô, quần áo lộng lẫy trở thành bộ đồ cũ kỹ, và Lọ Lem phải rời khỏi buổi dạ hội trước khi bị phát hiện.
Ít ra tôi và bạn sẽ biết cách làm chậm thời gian bằng cách hôn hoàng tử =))) Hôn càng lâu càng tốt!